Ngày 31 tháng 10 năm 2007, phân tích file ghi âm. File ghi âm 04320071030G.wav.
“… Em… có phải em cũng sẽ chết không?…”
“Không có âm thanh gì cả. Xem ra, chỉ có âm khí còn sót lại thôi, chắc là vẫn ổn.”
Ngày 31 tháng 10 năm 2007, điều tra vụ án hình sự có liên quan đến Nông trường Dân Khánh. Sự kiện phát sinh vào ngày 3 tháng 10 năm 2007, người chết là Trương Vĩ, nhân viên công tác ở Trung tâm Huấn luyện Quốc phòng Dân Khánh, được phát hiện chết trong Nông trường Dân Khánh. Trước đó, Trung tâm Huấn luyện Quốc phòng đã từng báo cảnh sát là Trương Vĩ đã mất tích, thời gian báo án là ngày 28 tháng 9 năm 2007.
Căn cứ vào thông tin trong báo cáo khám nghiệm tử thi, Trương Vĩ chết do ngoại thương. Theo điều tra của cảnh sát, anh ta bị cuốn vào máy xới đất, dẫn đến trọng thương mất mạng. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, vẫn chưa phát hiện được dấu vết của nghi phạm nào.
Kèm: File scan hồ sơ vụ án.
Bản scan trắng đen, nhưng có thể khiến người ta thấy rõ một cái xác nhàu nát. Các vết thương chằng chịt so le, xương bên trong lộ ra ngoài và bị cuộn lại thành từng luống nhỏ.
Trong hình ảnh về vật chứng, thì có mấy tấm ảnh của máy xới đất. Máy xới đất là một loại máy cơ giới trong nông nghiệp, có một trục tròn bên trên đính rất nhiều tấm sắt hình cuốc. Có thể tưởng tượng ra, khi loại máy này chạy vào ruộng, đất sẽ được xới lên thành từng luống đều đặn. Nhưng chiếc máy xới đất này đã hoen gỉ, đầy bụi bặm. Trên bảng thiết bị bên cạnh tấm hình có đề, động cơ chiếc máy này đã báo hỏng, đồng thời ổ trục của trục xới cũng đã gỉ sét. Thế nhưng, trong một tấm ảnh chụp gần, có thể nhìn thấy trên các lưỡi xới bằng sắt còn dính máu, thịt vụn, quần áo rách… dù là ảnh trắng đen nhưng vẫn khiến người ta khiếp vía. Nhìn vào không hề giống bị người ta cố tình xô vào. Nếu thật sự là vậy đi nữa, thì người xô vào đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, một người sau khi bị cuốn vào trục xới hậu quả sẽ như thế nào.
Ngày 1 tháng 11 năm 2007, đến Nông trường Dân Khánh điều tra. File ghi âm 04320071101.wav.
… Rè… Rè…
“… Chuyện này kể ra thì dài lắm. Trẻ như các cô cậu không biết đâu, báo chí cũng không viết bài. Ba đời gia đình tôi đều là nông dân ở cái vùng ngoại ô phía Tây này, trước đây canh tác ở khu lao động cải tạo kế bên. Thời đó, rất nhiều người được đưa tới, họ còn không biết trồng lúa nữa cơ, ông nội tôi được mời đến, để dạy họ làm ruộng.”
“Mời ông tiếp tục ạ.”
“Haiz, đều là tù cải tạo lao động cả, từng xe từng xe đưa đến. Chắc phải đến mấy trăm người, tối thiểu là nhiêu đó. Đều là dân giang hồ, trộm cướp này nọ bị bắt vào. Còn những người sắp bị tử hình thì không được đưa vào đâu.”
“Vâng. Nông trường là do họ phụ trách canh tác ạ?”
“Họ chỉ phụ trách làm ruộng thôi. Buổi tối họ cũng không ở lại. Cứ sáng được đưa đến, tối đưa về, chỉ dùng một bữa cơm trưa ở đây, mấy cái bánh bao, bát cháo, thỉnh thoảng còn được ăn mì nữa. Kể ra thì cũng không ngược đãi gì đâu. Thời đó mọi người cũng ăn vậy mà, cũng na ná nhau thôi. Họ làm ruộng như những người khác, làm dở thì bị phê bình, còn làm tốt thì không chừng sẽ được thả ra sớm. Những người được thả ra còn quay trở lại nữa đấy, nhưng không phải cái kiểu sáng đến tối về nữa. Mà họ ở hẳn bên này luôn. Chỗ bên kia, các cô cậu men theo đường cái đi tầm hơn mười phút, sẽ nhìn thấy một con đường nhỏ, dẫn vào bên trong. Có nhìn thấy chỗ đó chưa? Có một xóm nhà bên đó.”
“Có thấy ạ.”
“Bên đó ngày xưa nhiều nhà lắm, rất đông người ở đấy. Bao gồm những người mãn hạn tù, quân nhân xuất ngũ, chưa có đường sống tốt, nên chạy đến đây kiếm chén cơm qua ngày. Tốt xấu gì cũng là một đơn vị của nhà nước mà. Ít nhất cũng không bị đói, cứ chăm chỉ làm ruộng, thì mỗi ngày đều có cơm ăn nước uống. Họ khác với những nông dân như chúng tôi, có điều cũng khổ lắm, chẳng có gì cả, chẳng có gì chắc chắn cả, ai mà biết tương lai sẽ ra làm sao. Sau đó có cách kiếm sống rồi, thì tìm cách rời đi, đến thành phố làm đại chuyện gì đó vẫn tốt hơn là ở đây.”
“Những người đó có cùng làm chung với các tội phạm đang cải tạo không?”
“Không. Tội phạm cải tạo không thể đụng đến máy móc. Máy kéo này, máy cày này, chỉ có những người đó dùng, chứ các phạm nhân cải tạo thì không, phải hoàn toàn trong sạch mới được. Mà những thứ đó thật là tiện lợi. Điểm này, chúng tôi sướng hơn họ. Lái cái máy chạy một vòng, thì đâu ra đó hết. Những nông dân như chúng tôi, thời đó đâu có mua nổi máy móc, cả một cái thôn mà chỉ có mấy chiếc, đành phải cày bằng sức người thôi. Thế hệ ông nội tôi, cha tôi suốt một đời đều bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cả. Đến đời của tôi thì đỡ hơn chút chút, gia đình có tiền mua máy rồi. Mà cũng chỉ mua hàng sang tay của bên đó thôi. Bên nông trường họ đổi máy mới, chúng tôi tranh nhau mua máy mà họ không dùng nữa. Có điều, mua về xài cũng chả được bao lâu. Trồng cây lương thực thu nhập thấp lắm, hiện nay đã đổi qua trồng trong nhà kính cả rồi. Trái cây rau củ trái mùa tuy mùi vị chẳng ra làm sao, chăm sóc lại khó khăn, nhưng mà bán rất được giá.”
“Vâng. Trong khoảng thời gian đó, nông trường có xảy ra chuyện gì đặc biệt không ạ?”
“Đặc biệt à… Có đánh nhau, không vâng lời, đánh nhau, họ đều bị… đều bị những viên cảnh sát áp giải đến bắt hết, hình như sẽ bị nhốt đấy. Tôi nghe kể, họ mà không tuân thủ kỉ luật là bị nhốt ngay. Bị nhốt một mình trong ngục tối, suốt mấy ngày không thấy ánh mặt trời. Ai trở ra cũng đều ngoan ngoãn hết. Có điều, tôi chưa từng thấy ai quay trở lại cả.”
“Ý ông là…”
“Thì những người đánh nhau đó. Những người đánh nhau nhiều lắm, tôi đoán những chuyện như ngục tối này nọ, là do người ta bịa đặt cả thôi. Chứ nếu thực sự ghê gớm như vậy, ai mà dám đánh nhau chứ? Ở trong đó đủ loại người, hạng vào tù ra tội như cơm bữa cũng có, rõ ràng là họ chẳng sợ ngục tối. Nhưng mà mấy người đánh nhau ấy, sau khi bị cảnh sát giải đi, thì chẳng thấy ai quay lại trồng lúa cả, chẳng biết thế nào rồi. Hỏi những người được thả, thì họ cũng bảo không biết. Lúc họ kể chuyện, thì cũng nhắc đến ngục tối này nọ. Đã vậy còn bốc phét, bảo có cả ngục dưới nước nữa chứ. Ha ha ha! Ngục dưới nước! Ha ha ha…”
“Ngoài chuyện đánh nhau, còn chuyện gì nữa không ạ?”
“Hết rồi. Chúng tôi cũng đâu thể nào theo dõi họ suốt ngày được, chúng tôi còn ruộng phải làm mà. Hơn nữa họ là tội phạm đang cải tạo, chung quy vẫn là thành phần bất hảo trong mắt mọi người, nên chẳng ai thích bắt chuyện với họ cả. Bằng không chả phải sẽ bị người trong thôn nghi ngờ sao? Nói: Ồ, ông cùng với cái tội phạm kia thân nhỉ? Thế thì khó nghe biết bao chứ?”
“Thế còn những tù nhân được thả thì sao ạ?”
“Cũng mang tiếng lắm. Nếu họ có tiếng tăm tốt, thì sao lại đến đây chứ? Không phải là bị kỳ thị, sống không nổi ở thành phố, hết đường mới chạy trở lại chỗ này sao? Thời đó với thời nay không giống nhau. Thời nay, nếu cô không nói, thì ai mà biết cô từng ngồi tù. Cô không vào được công ty lớn, thì cũng chui vào công ty nhỏ thôi. Cũng giống như tôi vậy, nếu thuê người quản lý nhà kính, cũng đâu có điều tra xem người ta có phải đã từng là tù nhân hay không.”
“Vâng, thế tình cảnh của các quân nhân chuyển ngành thì sao ạ?”
“Nhóm đó thì khá phức tạp đấy. Một số thì không phải dân gốc ở Dân Khánh, sau khi xuất ngũ, muốn đến Dân Khánh, nhưng chẳng có kỹ năng gì đặc biệt, đành đến nông trường bên này làm việc thôi. Một số khác thì trước khi nhập ngũ đã lông bông rồi, ở nhà cũng chẳng có đường sống, nhập ngũ cũng không được giữ lại, sau khi xuất ngũ, thì được phân phối qua bên này làm việc. Phức tạp lắm, có điều tính khí đều khá giống nhau, có đến mấy người đã từng là đồng đội của nhau nữa cơ. Đôi lúc, một người đi rồi, chẳng đến một năm thì kéo những người khác rời đi luôn. Họ ấy hả, không giống.”
“Chưa từng xảy ra tai nạn dẫn đến chết người ạ?”