Nhà ăn của bệnh viện thành phố thật sự rất khác so với ở huyện.
Món ăn gì cũng có.
Khu ăn riêng cho người bệnh, bán các món bổ dưỡng cho sức khoẻ, được bác sĩ trực tiếp thông qua thực đơn.
Còn khu nhà ăn cho người nhà bệnh nhân thì đa dạng hơn nhiều.
Đứng trước menu dài hàng chục món, tôi nhìn đến sái cả cổ.
Cuối cùng lại không gọi đồ nóng mà chỉ bốc một gói bánh ngọt trông khá ngon và một hộp sữa Milo.
Đa phần các cô gái nhỏ đều thích Milo và tôi nghĩ Hải Anh cũng thế.
Nhưng không.
Con bé nhăn nhó khi thấy tôi quay lại.
Trên tay còn đưa cho nó loại sữa mà nó ghét cay ghét đắng.
“Tôi không thích Milo.” Con bé khoanh tay và quay ngoắt đi.
Tôi rụt tay lại, đổi sang túi bánh.
Hải Anh vẫn nhất quyết không chịu quay sang nhìn tôi.
Sao lại bướng bỉnh thế nhỉ? Đã hai giờ chiều rồi.
Nãy giờ bụng cũng kêu réo biểu tình mấy hồi nữa…
“Em không ăn là chị ăn đó nha.” Tôi ngả người ra ghế sofa, thản nhiên bóc túi bánh ngọt.
Mùi hương ngọt ngào thơm phức từ mứt dâu tây dần lan ra, đánh thức vị giác và cơn đói cồn cào đang biểu tình trong bụng của ai đó.
Hải Anh mím môi.
Vì hương thơm quyến rũ mà chịu nhìn tôi.
Biết là con bé đã mềm lòng đôi chút, tôi đưa túi bánh thêm một lần nữa.
Hải Anh liền bẽn lẽn nhận lấy một cách lễ phép bằng hai tay, còn cúi nhẹ đầu hàm ý cảm ơn.
Tôi cắm ống hút, lặng lẽ nhìn quanh căn phòng.
Trông nó còn sang trọng hơn cái phòng mà tôi đang ở.
Ngoài một chiếc giường bệnh siêu hiện đại thì nội thất cơ bản như ti vi, bàn tròn nhỏ, ghế sofa, thảm, rèm, điều hoà, hay tủ lạnh nhỏ đều có đủ.
Chỉ thiếu một cái là không có giường gấp nhỏ cho người nhà đi chăm bệnh nhân.
Thật là một sự thiếu sót lớn cho phòng VIP.
Hải Anh đã mạnh tay chi một số tiền lớn cho căn phòng này.
Mới đầu làm thủ tục nhập viện, con bé còn không đủ tiêu chí để làm thủ tục cho anh trai, lại còn đăng ký phòng đắt nhất.
Nếu không phải phòng tổng thống đã có người thì chắc con bé phải bê Hoàng Hải Đăng vào đấy nằm luôn quá…!Các bác sĩ yêu cầu phải gọi người giám hộ đến, nhưng Hải Anh nhất quyết không chịu, nói là bố mẹ không thể về đây được, nên hãy cứ để con bé lo mọi thủ tục trước, rồi sau đó bố mẹ sẽ đến sau.
Nhưng đã hai ngày rồi, cả một người đến thăm cũng không có, chỉ có hai anh em,…!
Hoàng Hải Anh là một đứa em gái đáng yêu.
Em đã vất vả nhiều rồi.
Bên trong căn phòng rộng rãi im ắng đầy mùi kháng sinh, hai người ngồi ghế, một ăn bánh, một uống sữa, thong thả vô cùng.
Một người nằm truyền nước trên giường, mãi một tư thế, lúc tỉnh dậy hẳn sẽ mỏi lưng lắm đây.
Quả đúng không sai.
Nửa tiếng sau, tiếng cạch cạch từ đầu giường phát ra.
Tôi giật mình quay lại.
Đăng từ từ mở mắt, chuẩn bị tư thế ưỡn người để giãn xương cốt sau một giấc ngủ dài.
“Ê ê nằm im.
Đang truyền nước mà động đậy cái gì?” Tôi bật dậy.
“Ơ, sao em lại ở đây?” Đã hai ngày không nói gì, giọng Đăng bị khàn, nói không rõ tiếng.
Nói xong còn ho một cái.
Tôi sờ trán Đăng, rồi áp tay lên trán mình.
Hạ sốt rồi.
Cũng tỉnh táo lại rồi, chắc hẳn không còn gì đáng ngại.
Hải Anh thấy anh nói chuyện được thì rối rít, bám sát vào thành giường, bắt đầu trách móc.
“Chị ta vừa đến là anh chịu mở mắt.
Uổng công em thức trông anh cả hai ngày nay.”
Mắt Đăng đảo quanh phòng một hồi như để nhớ lại mọi chuyện.
Sau đó thở dài một tiếng.
Đôi lông mày rậm rạp nhưng sắc sảo cau lại, hai hàng lông mi không kìm được mà giật giật mấy hồi.
Tôi vuốt mái tóc dựng lên loạn xạ không theo một khuôn mẫu nào của Đăng.
Hải Anh nheo mắt, thở hắt ra một hơi: “Ha, chị ta là bạn siêu thân số mấy vậy? Lúc trước anh cũng có hẳn mấy cô bạn thân, không biết chị này có nằm trong số đấy không?”
Tôi chẹp miệng.
Con bé này sao cứ phải khịa mình thế nhỉ?
“Đúng rồi.
Em gọi nốt mấy cô nữa đến chăm anh em một thể đi.
Chị sợ một mình chị không kham nổi.”
Đăng tỉnh lại rồi thì cũng phải gọi bác sĩ phụ trách đến khám lại chứ nhỉ.
Tôi bấm nút ở cạnh đầu giường.
Chưa đầy vài phút sau đã có một vị nữ bác sĩ trẻ trung ngoài độ 30 tuổi bước vào.
Khám cho Đăng, nhắc nhở người bệnh vài câu rồi quay qua nói chuyện với người nhà.
Đăng hôm sau là có thể xuất viện rồi.
Do cơ thể mệt mỏi và căng thẳng quá lâu, cộng thêm việc nhiễm khí lạnh trong thời gian dài, phổi có chút tổn thương.
Sau này cần chú ý nhiều hơn.
“Có đói không?”
Đăng im lặng, gật đầu nhẹ.
“Muốn ăn gì?”
Đăng không nói, chỉ lắc đầu.
“Đói mà không muốn ăn gì? Anh bị bệnh à?” Tông giọng của tôi bị kéo lên cao.
Đăng nhíu mày, mắt long lanh gật đầu.
Tôi nhất thời không hiểu được tình thế bây giờ là gì.
Lớn đầu rồi còn nhõng nhẽo.
Để em gái đứng bên cạnh mắt tròn xoe, mồm há hốc ra rồi kìa.
Tôi quay qua Hải Anh, híp mắt: “Anh em thích ăn cái gì vậy?”
Hải Anh chống nạnh, ra dáng một bà cô em chồng khó tính.
“Chị không biết sao? Vậy mà cũng làm bạn siêu thân của anh tôi được hả?”
Tôi vừa mới nhận ra là đã tự đào hố chôn mình.
Đúng là tôi không nhớ Đăng thích ăn gì cả.
Ở kiếp trước hình như cũng chưa từng đề cập đến chuyện này.
Tôi chỉ biết là Đăng không thích ăn cá mà thôi.
“Chị đi mua với tôi.” Hải Anh khoanh tay trước ngực, thẳng bước đi trước.
Tôi cầm ví rồi lẽo đẽo chạy theo.
Trên đường đi không ai nói với ai câu nào.
Đứng trước nhà ăn của bệnh viện, Hải Anh nhìn khắp một lượt Menu, rồi quyết định gọi ba suất cơm gà xé sốt chua ngọt.
Trong đó, một suất bỏ hết dưa chua và đồ ăn kèm, thay vào đó là các loại rau luộc thanh đạm.
“Anh tôi không ăn được cay, càng không ăn được đồ chua.
Chỉ thích những thứ trông có vẻ lành mạnh.
Bởi vì anh bị đau dạ dày từ khi còn nhỏ.
Có lần phải nhập viện cấp cứu.”
Hải Anh nói nhưng không nhìn tôi.
Nếu không để ý thì tôi còn tưởng con bé nói chuyện với cô đầu bếp.
Tôi mỉm cười đáp lại: “Chị nghe rõ rồi nè.
Còn gì nữa không để chị ghi lại.”
Hải Anh liếc mắt sang, nhìn thấy tôi hớn hở vì tưởng chừng con bé đã mở lòng với mình hơn một chút thì liền đá xéo ngay lập tức:
“Chị đừng mơ.
Mỗi lần chị làm điều gì tốt đối với anh tôi thì tôi sẽ chia sẻ cho chị một điều.
Đã hết số lần chia sẻ rồi.
Đáng lẽ tôi còn không thèm nói cho chị vì cái tội làm cho anh tôi phải lo lắng đâu.”
Tôi ngớ người, cảm thấy có gì đó không đúng.
“Là sao?”
Hải Anh vừa chìa tay cầm lấy một túi đồ, vừa đá mắt cho tôi cầm hai túi còn lại.
“À hoá ra chị không biết.
Hai ngày trước, anh tôi đứng đợi trước cổng nhà chị cả đêm đấy.
Sau đó bị nhiễm lạnh.
Tôi phải gọi xe đến đón anh trong tình trạng sắp ngất.
Vừa uống rượu, trong người thì nóng, ngoài thì trúng gió lạnh.”
Tôi câm nín.
Hai ngày trước là ngày Đăng đi ăn với nhóm bạn.
Tôi đâu hề biết là Đăng tới tìm tôi…
Lục lại một hồi kí ức, cuối cùng thì tôi đã hiểu.
Đăng có gọi cho tôi, nhưng điện thoại tôi sập nguồn.
Sáng hôm sau gọi lại thì chắc lúc ấy Đăng đang nằm trong bệnh viện rồi.
Đăng có thói quen sau khi uống rượu đều đến tìm tôi.
Đâu biết rằng không gọi được cho tôi liền đứng đợi ở ngoài cả đêm như vậy…!
Tôi lặng người, hai tay nắm chặt lấy túi cơm trong tay, không ngừng tự trách.
Phải chăng tôi đã quá vô tâm, chỉ nghĩ đến bản thân mình?
Hải Anh thấy tôi trôi tuột xuống một dòng không gian khác, như người mất hồn.
Con bé đột nhiên trở nên khó xử.
Dường như biết tôi có suy nghĩ tự trách, Hải Anh nói đùa để đôi chút xua đi không khí căng thẳng.
“Chị cũng đừng quá lo lắng.
Anh em là vậy.
Tính tình thật kì quái.
Bình thường hay qua lại với đám con gái không ra đâu vào đâu, nhưng chưa thấy thật lòng với ai bao giờ.
Chị là người đầu tiên làm em có cảm giác cứu vớt anh em trở lại làm một thằng con trai biết yêu biết hận rồi đó.”
Tôi đần ra một lúc lâu.
Rõ ràng tôi là người có lỗi với Đăng.
Mọi sự tưởng tượng khi tôi và anh yêu nhau của kiếp trước dường như không giống hiện tại một chút nào.
Có cảm giác Đăng lún sâu vào mối quan hệ này hơn tôi nghĩ.
Giả sử…!chỉ là giả sử thôi.
Nếu một ngày, vì một lí do nào đó, tôi buộc phải chia tay với Đăng, anh sẽ phản ứng ra sao? Sẽ hận tôi đến chết đi sống lại, hay trở nên điên cuồng mà sa vào đủ mối quan hệ độc hại khác, hay bình tĩnh chấp nhận, mạnh mẽ vượt qua như những mối tình thanh xuân ảo mộng, dễ đến dễ đi?
_______________________
Bây giờ là 5 giờ chiều.
Sau khi ăn xong bữa gần như là bữa tối kia, Đăng ngọ nguậy trên giường mãi.
Hải Anh đang bấm điện thoại cũng phải cau mày quay ra nhìn, gương mặt không ngừng phán xét.
“Sao anh cứ lăn lộn như con sâu đo thế?”
“Con này, sao dám gọi anh là sâu đo?”
Đăng vùng ra khỏi chăn, bật dậy.
Sức lực dường như đã hồi phục được 90%, có vẻ sung sức lắm.
“Về thôi.
Không thể chịu cảnh nằm trong bệnh viện mãi được.
Toàn mùi thuốc men.”
Tôi kéo tay Đăng, anh mất đà ngồi sụp xuống giường.
Chiếc giường sắt kêu lên vài tiếng lạch cạch.
“Ở im đấy.
Không nghe bác sĩ nói là mai mới được xuất viện hả?”
Đăng chưng bộ mặt ủ rũ, nói nhỏ:
“Anh đã nằm đây hai ngày rồi.
Ngứa ngáy khó chịu quá.
Em không thể để người yêu em ở bẩn hai ngày được.”
Tôi nheo mắt, cúi mặt: “Người yêu anh ở đây còn không chê anh.
Anh lo làm gì?”
“Không được.
Người yêu anh thương anh nên không chê.
Nhưng anh cũng phải tự biết là không thể ở bẩn như thế được.
Về thôi về thôi.” Đăng nhảy một phát xuống giường, ra vẻ là đã khoẻ trở lại.
Bên ngoài có tiếng giày da lộp cộp, nghe âm thanh thì đã đang đứng ở trước cửa.
Quả đúng là vậy.
Cánh cửa được đẩy ra đột ngột.
Mạnh Khôi bước vào, trên trán còn lấm tấm mồ hôi.
Anh vừa từ Sài Gòn bay về đây.
Nghe Hải Anh khóc lóc thảm thiết từ hai ngày trước liền sắp xếp công việc chạy về.
“Thằng này, anh tưởng mày liệt giường cơ mà? Sao vừa đến thăm bệnh đã thấy nhảy nhót như con khỉ thế hả?” Mạnh Khôi lớn giọng làm tôi giật mình, không kiềm được bản thân mà đứng ngay dậy.
Mạnh Khôi nhận ra được sự hiện diện của người lạ trong phòng, liền hắng giọng, kìm chế thái độ và trầm ổn nói:
“À, anh không biết là đang có khách đến thăm.
Chào em, anh là anh họ của nó, Mạnh Khôi.”
Tôi bẽn lẽn cúi nhẹ: “Chào anh ạ.
Em là Minh Hân, bạn của Đăng.”
“Bạn siêu thân.” Hải Anh lí nhí đế thêm vào.
“Anh, lâu lắm mới gặp anh ha? Anh khoẻ không?” Đăng tỏ bộ mặt vô tội, tươi cười phớ lớ, bước chân trần đến cạnh Mạnh Khôi, vỗ vỗ vai anh.
“Anh khoẻ đến mức vào viện chỉ để thăm người khác chứ chưa từng phải nằm trên cái giường bệnh nhé.” Mạnh Khôi hất tay Đăng ra khỏi vai mình.
Đăng trông cao vậy mà vẫn thấp hơn anh ta khoảng chừng 3 đến 4 cm.
Có thể là do độ độn của đế giày nhưng nhìn người đàn ông thành đạt, trên người khoác bộ vest lịch lãm, thật sự là một kiệt tác toả sáng cả khung hình.
Gen của nhà này tốt quá.
Ai nấy đều cao ráo, trắng trẻo, xinh trai đẹp gái đến nao nức lòng người.
Tôi nuốt nước bọt, cố đẩy sự ngại ngùng của mình xuống tận sâu trong lòng, khó khăn lắm mới thốt ra được một câu.
“Giờ đã có anh ở đây rồi.
Em xin phép về trước ạ.
Trời cũng sắp tối.” Trời đông rất nhanh tối.
Khoảng chừng 6 giờ là đã không còn tia nắng vào còn vương lại nữa rồi.
Đăng chạy theo tôi ra cổng.
“Anh đặt xe rồi.
Em đợi một lát.”
Tôi không từ chối được.
Đăng lúc nào cũng vậy.
Làm trước rồi mới thông báo khiến tôi không có cách nào không nhận lấy những đối đãi cực tốt của một người bạn trai hiếm có.
Chiếc ô tô 4 bánh mang logo của một hãng xe công nghệ nổi tiếng từ xa đang bon bon lại gần.
Trước khi lên xe, tôi có nói với Đăng một câu không rõ đầu đuôi, cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại nói như vậy: “Lần sau đừng làm vậy nữa.”.