Tiểu Mễ khoe khoang là người phương Nam có thể ăn rất cay, món lẩu bình thường cũng không thể khiến cô ấy đỏ mặt được, nhưng bây giờ lại thấy cay đến nỗi khóc không dừng được.
Chu Mẫn cũng thấy cay xé lưỡi, đầu ổ gà ngồi cạnh sợ rùng mình: “Cay thế này, hay là các cô nghỉ một lúc rồi ăn tiếp.”
Chu Mẫn hít hà nhưng động tác trên tay vẫn không ngừng: “Như vậy… Xuýt, như vậy không được!”
Mặc dù cay nhưng mà nó ngon!
Vị cay rát rất phong phú, mùi hương liệu hòa vào nhau, thịt tôm vừa chắc vừa dai, đến thịt trong càng tôm mà cô ấy cũng không muốn từ bỏ, chấm vào nước xốt màu đỏ au rồi cho vào miệng, vị vốn có của thịt tôm cùng với cái ngon đặc trưng của hải sản, kết hợp với nước xốt cay nồng đúng là khiến người ta càng ăn càng thấy ngon.
Khoang miệng cay muốn phun lửa, trên trán ứa mồ hôi, hai mắt đỏ bừng nhưng miệng vẫn muốn ăn tiếp!
Cả những món ăn kèm bên trong cũng khiến người ta cảm thấy cay thơm ngon miệng, bắp cắt khúc có thêm ớt tạo thành một hương vị khác, vị ngọt hòa chung với vị cay, không ngờ hương vị này cũng có thể khiến người ta mê muội.
Ăn được một nửa thì cho sợi mì vàng óng vào, sau khi trộn đều thì từng sợi mì được nước xốt tôm hùm đất bao bọc, nước xốt màu đỏ nhỏ giọt xuống dọc theo sợi mì, khiến người ta thấy sợ hãi nhưng lại nhịn không được tới gần.
Lúc này, sự tuyệt vời của bia cũng hiện ra, ăn tôm hùm đất xào cay mà uống với bia thì đúng là sự kết hợp hoàn hảo. Lúc cay xé lưỡi thì uống một ngụm bia, những bọt khí như đang nhảy múa trong miệng, bia lành lạnh làm độ cay giảm bớt, nhưng cũng gợi lên còn sâu ham ăn.
Sức quyến rũ của tôm hùm đất xào cay là ở đây.
Đầu ổ gà nhìn phát thèm, nhưng lại sợ ăn cay.
Đồng nghiệp đối diện cũng xoắn xuýt, ngoài miệng còn cãi bừa: “Nghiên cứu cho thấy, cay chỉ là một loại đau đớn, vậy nên khả năng chịu cay của nữ vốn cao hơn nam.”
Đầu ổ gà:… Ôi, không lẽ bê nghiên cứu ra là có thể che giấu chuyện hai chúng ta cùi bắp à?
Món tôm hùm đất mười ba vị là món có hương vị thiên về mùi thơm, trước khi Thời Nhiễm xào tôm hùm đất mười ba vị thì đã ngâm hương liệu trong rượu trắng để mùi của các loại hương liệu được phát huy tối đa, mặc dù nước xốt mặn thiếu đi sự bùng nổ như vị cay rát, nhưng khi ăn vào cũng rất vừa miệng, vị tươi mới của bản thân tôm hùm đất trở thành vai chính, thịt tôm chắc, nước xốt mặn và thơm.
Một tiếng sắp trôi qua thì nhóm người tới trước đều đã được ăn.
Trong khoảng thời gian ngắn, cay rát, mười ba vị, tỏi băm, mỗi loại hương vị đều chờ được người thưởng thức chúng.
Thời Nhiễm vẫn không ngừng tay, bởi vì gọi tôm nõn, chị Phùng sơ chế tôm nõn ngay tại chỗ. Thời Nhiễm đợi đủ ba phần rồi mới làm luôn.
Tôm nõn cuộn tròn thành khối cầu nhỏ màu đỏ, trông hơi đáng yêu khi nằm trong nồi sắt lớn.
Tôm nõn xào cay, Thời Nhiễm cho thêm nhiều bột xuyên tiêu vào. Bắp cũng được cắt thành từng khúc nhỏ hơn, một nồi tôm nõn được trút ra. Ai gọi mì thì có mì sợi nóng hổi được dọn lên, ai gọi bánh nướng thì được cắt cho ba miếng bánh lớn.
Thật ra bây giờ tôm hùm đất trở thành nguyên liệu nấu ăn được rất nhiều người thích, nên có nhiều người sáng tạo ra cách ăn tôm hùm đất và tôm nõn khác ngoài cách xào cay.
Ví dụ như bánh trung thu nhân tôm hùm đất mà Thời Nhiễm từng ăn ở đời trước… Bánh mì hấp kẹp nhân tôm hùm đất… Bánh mì áp chảo kẹp nhân tôm hùm đất…
Món kỳ quái nhất trong đó là không ngờ còn có bánh trôi nhân tôm hùm đất xào cay.
Nhưng mà Thời Nhiễm nếm thử hết thì thấy vẫn là bánh nướng kẹp tôm hùm đất ăn ngon nhất.
Bánh nướng, hay còn được gọi là bánh giòn, bánh bao khô, là một loại lương thực phổ biến ở vùng Quan Trung, bánh nướng được làm rất dày và đủ lớn, được cho vào chảo không sâu lòng và nướng ở lửa nhỏ.
Nhưng mà ấn tượng ban đầu của Thời Nhiễm với bánh nướng được bắt nguồn từ một câu chuyện xưa, theo truyền thuyết thì bánh nướng là món do Chư Cát Lượng sáng tạo ra. Bởi vì suy xét đến việc khi hành quân thì không tiện nấu ăn, vậy nên trong giai đoạn ngưng chiến mới làm ra loại bánh trong chảo to như thế, để các chiến sĩ mang theo ăn dọc đường.
Thời Nhiễm tin sái cổ vào chuyện xưa đó, đến khi lớn lên mới biết được bất cứ món ăn nào cũng có một ít truyền thuyết về nguồn gốc.
Nguồn gốc của bánh nướng là không tìm ra được, có người nói là Thủy Hoàng sai người sửa Trường Thành làm ra, cũng có người nói là nó ra đời lúc sửa lăng mộ cho Võ Tắc Thiên.
Đúng là kết hợp chặt chẽ đặc tính thích kể chuyện truyền thuyết và thích ăn ngon của dân tộc Trung Hoa với nhau.
Nhưng dù thế nào thì những truyền thuyết đó cũng thể hiện một đặc điểm lớn của bánh nướng, là có thể để lâu, khô cứng vẫn ăn được.