Chúc mừng Quốc Khánh 2/9!!!
Thẩm Tư Quân nói:
“Năm xưa thái tổ xuôi nam, dọc đường gặp được ba vị hải tặc vương, cùng nhau chống lại Ma Kình Vương mai phục, chạy được vào vịnh Hải Lưu.
Từ đó về sau thái tổ mời ba vị hải vương theo mình kiến công lập nghiệp, đỡ phải chui nhủi ngoài biển Phong Bạo. Ba đoàn hải tặc này tên là Ngoan Thạch, Ti Đằng, Du Long. Bọn họ là căn cơ ban đầu lập nên Tĩnh Hải quân, từ đó mà có ba doanh. Tam doanh lúc đầu cũng chẳng có phân chia tinh nhuệ phổ thông gì cả. Thế nhưng hải tặc vốn ngông nghênh, ba vị hải vương chẳng ai phục ai. Mãi đến khi Ngô thống lĩnh nghĩ ra cách dùng võ tương hội, sắp xếp thứ tự trong quân, từ đó mới có Tam Doanh Luận Võ.”
Ngừng một chốc, chờ cho Lý Thanh Vân tiêu hóa đống thông tin vừa được kể cho nghe, y thị mới nói tiếp:
“Thế gian phần lớn đều như thế, ban sơ rất tốt, chỉ là về sau bắt đầu bị biến đổi, tha hóa. Dáng vẻ hiện giờ của tam doanh cũng là do đấu đá của các phe cánh trong triều mà ra. Ngoan Thạch doanh hiện giờ có binh bộ chống lưng, được hưởng binh quyền của người đàn ông đó, vậy nên mới có thể trắng trợn chiêu binh mãi mã, binh sĩ hơn vạn. Quân số của Ngoan Thạch doanh lớn gấp bảy lần binh mã của châu chủ, hắn há lại có thể để con hổ ngủ yên dưới giường của mình.
Du Long doanh cứ thế mà biến thành tai mắt của Kim Quy châu chủ, đặc quyền đặc lợi, chiến lực tinh nhuệ kỳ thực đều là do Kim Quy châu chủ đánh bạc với binh bộ mà có.”
“Vậy Ti Đằng doanh?”
“Xem như thân binh của phủ thành chủ, cũng là con bài dùng để áp chế binh bộ và châu chủ. Ti Đằng doanh là ai? Một đám cơ quan sư. Nơi đây lại là địa bàn của họ. Nếu như chúng ta có ý muốn thay đổi người đang ngồi trên bảo tọa thành chủ kia, đảm bảo ầm một cái, ngọc đá cùng tan. Đương nhiên, trừ khi là dở hơi, bằng không bình thường thành chủ cũng sẽ không lựa chọn phương pháp cực đoan đến vậy.”
Lý Thanh Vân nghe đến đây, gật gù đầy cảm khái.
Ti Đằng doanh năm xưa không ngờ hiện giờ lại trở thành thuốc an thần cho thành chủ, không biết hai anh em họ Hàn sẽ nghĩ thế nào khi biết chân tướng nữa.
oOo
Phi Lưu Bích…
Thi nhân mặc khách Đại Việt hiện giờ vẫn có câu “vị đáo cốt đài phi hảo hán, bất kiến Liên Hoa bất anh hùng”, ấy chính là chỉ Kình Cốt Quảng Trường trên đỉnh núi.
Lúc Lý Thanh Vân và Thẩm Tư Quân cưỡi mây ra biển, chứng kiến con đường núi đặc biệt chỉ có Phi Lưu Bích mới có thì cậu chàng chỉ còn biết trợn mắt, tấm tắc mãi không dứt. Chỉ thấy, một bộ hài cốt cực lớn uốn lượn ôm lấy cả hòn đảo, đầu gác lên đỉnh núi, đuôi trải đến bãi cát, tính ra khi còn sống chắc phải dài đến hơn hai dặm. Các gai xương trên sống lưng tạo thành các bậc thang lẩn khuất trong cánh rừng sâu thăm thẳm. Mặt đảo hướng ra phía đông, nhìn thẳng vào vịnh Hải Lưu, được những cái xương ngực dài ôm lấy là một vách đá phẳng, lạng bóng như người ta dùng lợi khí gọt ra.
Trên vách đá, đề một hàng chữ đỏ như máu:
“Lê Đồ Thành… đến đây… cắn ta đi…”
Ở giữa các chữ này có khoảng trống, dường như trước đấy đã từng được viết gì đó, nhưng sau này đã bị xóa đi mất.
Thẩm Tư Quân phẩy tay, thu hồi lại thuật đằng vân, nói:
“Lý thiếu hiệp, nơi đây dù sao cũng có uyên nguyên với thái tổ, để tỏ lòng thành kính, cần phải đi bộ lên núi.”
Hải Nha xưa nay vẫn tự hào là chốn đầu tiên Lê Đồ Thành đặt chân tới khi đến Đại Việt, đương nhiên là rất phụng thờ sùng bái thái tổ. Chỉ nhìn tượng đá lớn dựng ngoài cửa thành là đủ thấy trong văn hóa của thành Hải Nha, địa vị của Lê Đồ Thành cao đến mức nào. Phi Lưu Bích vừa có “truyền thuyết” về y, lại vừa là nơi đặt thi thể của kẻ thù lớn trong đời thái tổ, có thể nói là ở vịnh Hải Lưu này, nơi đây cơ hồ gần với thánh địa.
Đừng nói là Nho sinh vãn cảnh, binh sĩ triều đình, cho dù là thành chủ Hoàng Kim Thần, châu chủ Đồng Quang Vinh, thậm chí là Võ Hoàng và Trư Đế đến đây cũng không tiện mạo phạm, phải ngoan ngoãn đi bộ lên núi.
Lý Thanh Vân đương nhiên không phản đối.
Dù sao cậu chàng cũng không biết bay, quy định cấm không của Phi Lưu Bích đâu có ảnh hưởng gì đến được Toái Đản Cuồng Ma? Hơn nữa, Lý Thanh Vân lần đầu chứng kiến thắng cảnh độc đáo như Phi Lưu Bích, còn muốn ngắm nghía một phen.
Lúc này phản đối mới là lạ.
Lý Thanh Vân và Thẩm Tư Quân bèn bước thấp bước cao, đạp lên bậc thang bằng xương cốt, thẳng tiến lên đỉnh núi. Vừa đi, Thẩm quân sư vừa giải thích:
“Chốn này trước đây là một đảo đá khô cằn, cỏ cũng chẳng mọc nổi, chỉ toàn cua là cua, hải tặc trong vùng gọi là Giải Đảo. Đến khi thi thể của Ma Kình Vương bị đặt ở đây, vạn vật mới sinh trưởng.”
Lý Thanh Vân nhìn dọc đường cây cối um tùm, cỏ cao quá gối, hoa dại nở thành bụi thành lùm, xum xuê không tả nổi, tấm tắc:
“Hóa ra xác của Hải Thú còn có công dụng này. Ài… giá như mình có túi chứa đồ thì tốt. Đến lúc ấy mang ba bốn mươi con về cho thầy bón cây dần.”
“Dám nói chuyện giật gân như vậy xưa nay chỉ có ba người, mà thiếu hiệp có thể nói là chiến lực thấp nhất.”
“Không biết hai người còn lại là?”
“Ngoại trừ Thái Tổ và người đàn ông đó ra thì còn ai dám ngông cuồng như thế?”
…
Giải Đảo vốn cũng không quá cao, lại thêm cả Toái Đản Cuồng Ma và quân sư Tĩnh Hải quân đều không phải người phàm, thành thử chỉ rảo bước độ thời gian uống xong chung trà, hai người đã lên đến đỉnh núi. Lý Thanh Vân chỉ thấy trước mắt là một quảng trường trắng hếu, kéo dài mãi đến tận mép vực nhìn ra biển. Bốn phía đông tây nam bắc cho dựng bốn khán đài, có thể chứa được hàng trăm người một lúc, cùng nhìn về cái đài cao hình ngũ giác chính giữa quảng trường.
Vừa mới bước lên quảng trường, Lý Thanh Vân đã cảm thấy sống lưng ớn lạnh tựa hồ như bị một con rắn độc để mắt tới.
Thẩm Tư Quân nói:
“Nơi đây là Kình Cốt Quảng Trường, chính là hộp sọ của Ma Kình Vương. Cái đài ở trung tâm là Chẩm Đao Đài, theo truyền thuyết là được xây trên chính miệng vết thương do bội đao Du Long của thái tổ gây ra. Mỗi khi thành chủ mới của Hải Nha nhậm chức thì theo truyền thống đều phải đến đây rút đao tuyên thệ. Trong Tam Doanh Luận Võ thì sử dụng chính Chẩm Đao Đài này làm võ đài.”
Vừa nói, y thị vừa dẫn Lý Thanh Vân đi lên khán đài phía đông ngồi. Bấy giờ sĩ tốt tam doanh vẫn chưa đến, khiến cả quảng trường cơ hồ vắng ngắt như tờ. Bốn khán đài lớn cũng chỉ có lác đác vài bóng người yên vị. Không có việc gì làm, Toái Đản Cuồng Ma bắt đầu quét mắt, nhìn khắp các khán đài một lượt, xem thử xem rốt cuộc ai là kẻ muốn nhắm vào mình.
Ngồi một mình ở phía bắc là Quan Hạ Băng, sau lưng cô nàng cắm thanh Long Nha Ngân Lân Kích, mình vận chiến giáp bạc, vai đeo áo choàng đen, nổi bật lên như một bức tượng băng đầy cô ngạo. Chỉ là lúc này cô nàng nhăn mặt, cau mày, trông giống như người vừa mất sổ gạo.
Khán đài phía nam hiện giờ có ba người ngồi sóng vai, chính giữa là một trung niên mặc áo xanh, râu rậm, vóc người cao lớn vạm vỡ. Theo như Thẩm Tư Quân giới thiệu thì vị này chính là Hoàng Kim Thần – thành chủ đương nhiệm của thành Hải Nha. Hai bên tả hữu của y có hai người mặc áo choàng kín mít, đeo mặt nạ, dáng vẻ cứ thần thần bí bí. Lý Thanh Vân trông thấy hai người kia, lại nhìn cái bộ dạng khách khí mười phần của Hoàng Kim Thần, không khỏi giật mình, thầm nghĩ bụng:
“Chẳng nhẽ người muốn đối phó mình không phải Du Long doanh mà là kẻ đứng sau lưng thành chủ?”
Cậu chàng lại đưa mắt nhìn về phía khán đài phía tây, cũng là chỗ gần với đường lên núi nhất. Ở đó, một tên thanh niên vào khoảng hai tám ba mươi tuổi, mình mặc trọng giáp, sau lưng cắm một ngọn thương có hai ngạnh đang ngồi uống trà. Kẻ này mặt hơi dài, môi mỏng, mắt sắc, có một cái khí chất âm lãnh tà dị khiến kẻ khác chán ghét theo bản năng. Thỉnh thoảng miệng y lại nhếch lên, nói gì đó không ai nghe thấy, hình như là sử dụng thuật truyền âm. Mà cứ mỗi lần hắn làm thế, ở khán đài phía Bắc, Quan Hạ Băng lại càng khó chịu ra mặt.
Thẩm Tư Quân bấy giờ mới hạ giọng, rỉ tai cậu chàng mà nói thầm:
“Người này là Vũ Văn Hiên, phó tướng phụ trách thống lĩnh Du Long doanh, cũng là kẻ đòi tổ chức trận tam doanh luận võ lần này.”
“Thẩm quân sư, có phải tên này có ý gì với Quan tướng quân hay không?”
“Ồ? Thiếu hiệp hôm qua ăn nhầm phải món gì hay sao mà nay lại khai khiếu bất thình lình như thế? Quả là như vậy. Vũ Văn Hiên này xưa nay vẫn ái mộ tiểu thư nhà ta, nhiều lần công khai theo đuổi, cũng bị tiểu thư đánh cho lăn lê bò toài. Chỉ tiếc là tên này chẳng những mặt dày, còn dai như đỉa, suốt ngày nói cái gì mà tấm chân tình đả động núi Vân Yên.”
“Phì. Hắn cũng xứng? Quan tướng quân mà theo hắn thì mới gọi là đóa hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Thật đúng là: ‘Tiếc thay cây quế giữa rừng, Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.’”
Lý Thanh Vân quệt miệng, chửi.
Thẩm Tư Quân cười tủm tỉm, bảo:
“Lý thiếu hiệp, lời nói vậy là chưa đúng. Hắn mà là Mán là Mường thì Vũ tổng binh của ải Quan Lâm là cái gì bây giờ?”
“Hả? Chẳng lẽ…”
“Đúng. Vũ Văn Hiên là con trai độc nhất của Vũ tổng binh, cũng là thuộc hạ đắc lực của Đồng Quang Vinh.”
Lý Thanh Vân nuốt nước bọt, giờ cũng hiểu vì sao lần này cậu chàng lại bị chỉ đích danh đến đây.
Số chương còn lại hôm nay: 2 chương chính truyện.