*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, sau khi trình bày ở phiên toàn thể, Kinh Hồng còn có một bài phát biểu ở phiên chuyên đề nữa. Chu Sưởng cũng vậy, nhưng của hắn là một bài thảo luận chuyên đề.
Cuối ngày đầu tiên, ban tổ chức chiêu đãi khách mời một bữa tiệc tối.
Kinh Hồng tới hơi muộn. Khi anh bước vào, những bàn xung quanh đều đã có không ít người ngồi rồi.
Đằng xa, CEO của một công ty nào đó thấy là Kinh Hồng thì lập tức đứng dậy muốn vỗ mông ngựa lôi kéo làm quen: “Tổng Giám đốc Kinh! Bên này đây! Bàn này!”
Ai ngờ vừa dứt lời, cả phòng ăn liền lặng như tờ.
Ai cũng nghĩ, tính nịnh thơm ai ngờ thối không ngửi được!
Oceanwide với Thanh Huy ba ngày một trận nhỏ năm ngày một trận lớn, PK hết hiệp này đến hiệp kia. Ai mà không biết Kinh Hồng và Chu Sưởng là một núi hai hổ, gần như không bao giờ công khai xuất hiện cùng nhau? Trước đây trong những tình huống như này, Kinh Hồng và Chu Sưởng luôn ngồi cách xa nhau, mỗi người một bàn. Xung quanh Kinh Hồng lúc nào cũng là phe Oceanwide, quanh Chu Sưởng thì lúc nào cũng là phe Thanh Huy.
Thế mà bây giờ cái ông CEO kia rõ ràng đang ngồi cùng bàn với Chu Sưởng mà lại dám mời Kinh Hồng qua?
Mà giờ cái bàn đó làm gì còn chỗ nào khác ngoài chỗ ngồi bên cạnh Chu Sưởng?
Theo phép lịch sự “Có bạn bè từ phương xa tới”, mọi người nhường ghế chính cho CEO của các công ty Mỹ, Chu Sưởng ngồi bên cạnh họ ở cánh bên này, ông chủ của Vị Lai – một công ty khác thuộc Big 4 Trung Quốc ngồi ở cánh bên kia. Ông chủ của Hành Viễn thì không ngồi bàn này mà ngồi ở một bàn khác gần đó.
Vì lúc ngồi ai cũng anh nhường tôi tôi lại nhường anh nên bây giờ, ghế duy nhất đang còn trống ở bàn này là ghế bên trái Chu Sưởng.
Trong một thoáng, ánh mắt của mọi người trong phòng đều hướng về phía Kinh Hồng.
Tất cả đều đang chờ để xem Kinh Hồng sẽ làm gì.
Một người sáng lập trẻ tuổi còn lén gửi meme nổi tiếng của một bộ phim hài cho một người khác đang ngồi cùng bàn mình: “Ôi mẹ ơi, có khi ảnh hưởng đường làm quan mất.jpg”
Kinh Hồng thầm cân nhắc một chút. Anh cảm thấy thật sự không cần thiết phải chọn chỗ khác ngồi, bởi như vậy chẳng khác nào chứng thực tin đồn hai bên có bất hòa cả, quá nhỏ nhen. Mà quan trọng hơn là ban nãy Chu Sưởng đã đỡ cho anh một cái, bằng không sếp lớn của Oceanwide đã cụng đầu cái cốp vào bàn trước mặt tất cả mọi người rồi. Về tình về lý, anh đều không cần phải tránh né mà đi chỗ khác.
Vậy là Kinh Hồng mỉm cường, nhấc chân bước về phía chỗ ngồi bên cạnh Chu Sưởng.
Sau đó khẽ nhấc quần ngồi xuống.
Phòng ăn vẫn lặng thinh, trông ai cũng như vừa nhìn thấy một kỳ quan nào đó của thế giới vậy.
Kinh Hồng đã có thể nhìn thấy cảnh sáng mai, hoặc ngay lát nữa thôi, các phương tiện truyền thông sẽ ồ ạt lên các bài kiểu “Hiếm! Kinh Hồng và Chu Sưởng ngồi chung một bàn sau Hội nghị Internet Thế giới!!!” “Khung hình thế kỷ!!!“, kèm theo đó là một loạt những phân tích về nguyên nhân sâu xa đằng sau.
Đây là Hội nghị Internet Thế giới mà, phóng viên đến đưa tin đông như trẩy hội.
Chu Sưởng khẽ gật đầu, Kinh Hồng cũng gật lại coi như chào hỏi. Ngồi xuống rồi, Kinh Hồng chậm rãi tháo khuy măng sét đặt sang một bên, xắn cổ tay áo hai nếp để lộ cổ tay khỏe khoắn. Sau đó, anh khoanh tay lắng nghe mọi người nói chuyện, miệng cười nhẹ nhàng, vẻ mặt thong dong thoải mái.
Các CEO ngồi bàn này đa phần là sếp lớn của các công ty trong nước, tiếng Anh không tốt lắm, nhưng cũng không thể chỉ nói tiếng Trung không. Vì vậy nhiệm vụ dắt nối trò chuyện chủ yếu rơi vào tay Kinh Hồng và Chu Sưởng.
Kinh Hồng ngẩng lên hỏi về thị phần Trung Quốc của các sản phẩm của từng công ty. Mọi người trò chuyện rất thoải mái, thỉnh thoảng Kinh Hồng và Chu Sưởng sẽ đóng vai trò phiên dịch để dịch một vài câu sang tiếng Trung cho những người trên bàn nghe, rồi lại dịch những câu hỏi của các vị cùng bàn sang tiếng Anh cho những anh bạn Mỹ kia.
Có lẽ cũng thấy nếu mình ngồi lâu thì mọi người sẽ gượng gạo nên sau khi dùng bữa được tầm tầm, các sếp người Mỹ bèn mượn lý do lệch múi giờ để tạm biệt những người đồng nghiệp Trung Quốc.
Mọi người cùng hẹn gặp lại vào ngày mai, trông ai cũng rất nhiệt tình.
Sau khi các sếp người Mỹ đi hết, mọi người lại ngồi xuống, bầu không khí trở nên thoải mái và nhẹ nhõm hơn hẳn.
Rồi cũng đến lúc có người hỏi về thương vụ mua lại Med-Ferry kia: “Anh Kinh, anh Chu, nghe nói Oceanwiđe và Thanh Huy đã hợp tác với nhau trong vụ mua lại Med-Ferry vừa rồi phải không?”
“Phải, chúng tôi đã hợp tác.” Kinh Hồng vẫn khoanh tay lại, “Cả Oceanwide và Thanh Huy đều đã lấy được thứ mình cần.”
Mọi người sôi nổi nói: “Quả nhiên là vậy!”
Nhưng CEO của Vị Lai lại không cho là thế. Ông này còn lớn tuổi hơn cả Kinh Hải Bình và Chu Bất Quần nên luôn thích tỏ vẻ bậc bề trên với Kinh Hồng và Chu Sưởng. Tác phong của ông ta rất bình thường, hay có thể coi là kiểu du côn. Theo Kinh Hải Bình, độ “low” của ông ta chỉ kém Chu Bất Quần một tẹo.
Về chuyện “low” hay không “low”, người trong ngành đã phân chia rõ ràng. Trong bốn người sáng lập của Big 4 mạng viễn thông, Kinh Hải Bình và ông chủ của Hành Viễn là kiểu phần tử trí thức điển hình, Kinh Hải Bình còn được đặc biệt gọi là “Nho thương”. Hai người còn lại, Chu Bất Quần và ông chủ của Vị Lai lại là kiểu lưu manh côn đồ điển hình, kiếm tiền bằng việc đặt bẫy khách hàng. Chẳng hạn như đã nói rõ ràng là “miễn phí trọn đời” nhưng thực chất, sau khi khách hàng sử dụng một thời gian, đợi đến khi công ty đánh bại đối thủ, khách hàng sẽ bị yêu cầu phải mua thêm “dịch vụ bổ sung” để tiếp tục sử dụng bình thường, nếu khách hàng từ chối mua thì sau đó mọi thứ đều sẽ đi xuống.
Lý Trí Dũng, ông chủ của Vị Lai, nói với Kinh Hồng: “Công ty nghiên cứu sản xuất thuốc AI à… Ôi! Mấy người trẻ tuổi các cậu lúc nào cũng đâm đầu vào mấy cái mánh lới quảng cáo, cũng bị hấp dẫn bởi mấy cái bọt biển này! Quá viển vông và hão huyền!”
Kinh Hồng nhìn ông tay, tay vẫn khoanh lại trước ngực: “Cháu tin vào phán đoán của mình.”
Lý Trí Dũng vẫn tỏ vẻ không đồng tình. Ông ta lắc đầu, vừa dùng ngón tay béo mập của mình lên mặt bàn gõ từng nhịp lên bàn, vừa dùng giọng điệu đắc ý kiểu “Tôi hiểu mà” “Chắc chắn là cậu muốn nghe bài học kinh nghiệm từ tôi” để phổ cập kiến thức cho Kinh Hồng: “Nghiên cứu và phảt triển thuốc không hề đơn giản như vậy. Thuốc cải tiến được chia thành me-too, me-better và me-new. Trong đó me-new là kiểu khó nhất bởi nó đòi hỏi phải có những nguyên lý về dược. Thị trường Trung Quốc hiện giờ đa phần là thuốc generic, được sản xuất sau khi thuốc gốc hết thời hạn bảo hộ phát minh. Chỉ có vài công ty là có me-new, nhưng đại khái đều là kiểu thay đổi đi một tí để tránh bảo hộ sáng chế dược phẩm. Nhưng công ty thật sự nghiên cứu và sản xuất thuốc chỉ đếm trên đầu ngón tay…! Bởi nó quá tốn kém, phải mất đến mười năm và tiêu tốn khoảng một tỷ đô mới có thể sản xuất thành công một loại thuốc mới, mà giờ mọi thứ còn đang có xu hướng gấp đôi lên rồi. Quá không chắc chắn. Hơn nữa, nghiên cứu ra được nguyên lý dược mới là một chuyện rất khó. Các công ty dược phẩm lớn của Tây có kinh nghiệm được tích lũy qua hàng chục năm mà còn trầy trật, Trung Quốc chúng ta làm gì có gì? Quá khó khăn!” Ông ta giang tay ra, “Nhưng người làm ăn thì lấy đâu ra thời gian mà chờ với chả đợi? Phải tranh thủ thời gian để kiếm tiền mới là chuyện quan trọng. Thị trường Trung Quốc lớn như vậy, chỉ cần ‘ăn theo’ cho tốt thì thuốc generic là quá đủ để ăn nên làm ra rồi.”
Ông ta cho rằng Kinh Hồng không hiểu về ngành này nên tự xung phong lên lớp anh bằng thứ tiếng Anh sứt sẹo của mình. Trông dáng vẻ kia là biết ngay ông ta đang nghĩ gì: “Thanh niên tự tin là tốt, nhưng tự tin quá đà thì không hay.”
“Phải không ạ,” Kinh Hồng vẫn giữ nguyên tư thế, mỉm cười nói, “Cháu thấy chưa chắc đâu.”
Mọi người trên bàn lại nhìn sang Kinh Hồng.
Kinh Hồng nói: “Dược phẩm là ngành có vai trò tối quan trọng. Thời hạn bảo hộ phát minh ở các nước phương Tây ít nhất cũng là 20 năm hoặc dài hơn. Tức là thuốc chúng ta dùng sẽ lạc hậu hơn thế giới 20 năm. Nếu muốn dùng thuốc mới nhất thì buộc phải mua thuốc ngoại. Nhưng những năm gần đây… có thể thấy rõ là các nước phương Tây đang ngày càng cảnh giác và đề phòng Trung Quốc hơn, hay có thể nói là thù địch nước ta. Chiến tranh thương mại có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Như vậy… liệu chúng ta có nên trông chờ hoàn toàn vào nguồn thuốc ngoại từ các nước phương Tây không? Nếu tình hình trở nên tiêu cực thì nước ta phải làm sao bây giờ? Thiếu ăn thiếu mặc còn được chứ làm sao mà thiếu thuốc? Không có thuốc khác nào ngồi đó chờ chết?”
Lý Trí Dũng: “…”
Những người khác đều không dám ho he gì, chỉ có Chu Sưởng là nghiêng đầu, chống cằm nhìn Kinh Hồng với vẻ rất chi là hứng thú.
“Hơn nữa,” Kinh Hồng nói tiếp, “Những món thuốc có giá trên trời tràn lan ra đó, bác Lý không thấy sao? Quỹ bảo hiểm y tế có hạn, thuốc nội là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề giá cả. Giá thuốc của Tây thì cũng bao gồm một đống chi phí trong đó, rồi cả tỷ giá hối đoái nữa. Không có thuốc nội thì không có quyền định giá.”
Cuối cùng, Kinh Hồng nói: “Bác Lý có thể không tin, nhưng cháu tin vào tham vọng và quyết tâm của các công ty dược phẩm Trung Quốc.”
Lý Trí Dũng im lặng trong một lúc lâu.
Hồi lâu sau, ông ta mới lúng túng nói: “Tôi sẽ xem cậu Kinh làm thế nào.”
Nói “sẽ xem cậu Kinh làm thế nào” nhưng ý thì là “để xem cậu Kinh ngây ngô ra sao”.
Kinh Hồng nhìn ông ta, rồi lại nhìn những người khác, đoạn anh nói: “Mọi người ngồi đây đều làm về Internet cả. Lời này của tôi tuy có vẻ đạo đức giả, nhưng Oceanwide thực sự cho rằng Oceanwide có trách nhiệm của mình.”
Bộ phận Trí tuệ nhân tạo của Oceanwide đã triển khai dự án về nghiên cứu phát triển AI trong sản xuất thuốc rồi, thương vụ mua lại lần này chính là để đẩy nhanh tiến độ cho ra thành quả.
Rất khó để nghiên cứu ra một hợp chất mới, thường thường phải thử nghiệm mấy mươi năm mới cho ra được một thành quả khả quan. Việc lợi dụng khúc cua để vọt lên trong lĩnh vực này nghe như câu chuyện nghìn lẻ một đêm. Tuy nhiên, AI có thể mô phỏng lại quá trình tạo nên một hợp chất hóa học. Điều này sẽ giúp giảm bớt số lần thí nghiệm, qua đó tiết kiệm được đáng kể thời gian và tiền bạc.
So với việc tìm kiếm và nghiên cứu hợp chất mới hay những thứ tương tự, viết code nghe ra đơn giản hơn nhiều.
Các ông lớn trong ngành mạng viễn thông phải cung cấp các công cụ cho ngành dược cũng như các ngành khác để đưa trình độ khoa học công nghệ về y dược Trung Quốc theo kịp với các nước Âu Mỹ. Những mã code này sẽ là chất xúc tác giúp đẩy nhanh quá trình bắt kịp.
Ngày nay, cuộc chiến của các ông lớn công nghệ trên thế giới đã không còn chỉ giới hạn trong một sản phẩm nữa, xúc tu của họ đã vươn ra nhiều ngành khác. Họ cung cấp hỗ trợ cho nhiều ngành, trong đó bao gồm các loại hệ thống và công cụ. Có thể kể đến như hệ thống không người lái, hệ thống điện thoại thông minh, hệ thống tài chính doanh nghiệp, hệ thống quản lý khách hàng, các loại đám mây, vân vân.
Có thể nói các công ty công nghệ như họ, kể cả là công ty lớn hay nhỏ, đều là nền móng để Trung Quốc phát triển. Họ không thể thua.
Đương nhiên, để làm được vậy thì cần tiền, cần rất nhiều tiền.
May mắn là phần thưởng thu lại sau mỗi lần thành công đều vô cùng hậu hĩnh.
“Anh Chu,” Một CEO khác hỏi Chu Sưởng, “Thanh Huy muốn mua lại Med-Ferry cũng là vì lý do này sao?”
“Không đâu.” Chu Sưởng lắc nhẹ ly rượu trong tay, hắn nói với ánh mắt sâu xa, “Tôi tạm thời không tin tưởng vào tham vọng và quyết tâm của các công ty dược nước ta cho lắm. Cỏ vẻ anh Kinh đã lý tưởng hóa nó quá rồi.”
“…” Mọi người lại ngó qua Kinh Hồng.
Kinh Hồng chợt nhớ lại một câu Kinh Hải Bình từng nói: Ta có xu hướng cho rằng mình cảm nhận được điều gì thì người khác cũng cảm nhận được như mình, tương tự, ta không cảm được điểu gì thì người khác cũng không cảm được như thế.
“Thảo luận về điều này là vô nghĩa.” Kinh Hồng nói, “Tôi đúng hay là anh Chu đây đúng, tương lai sẽ cho chúng ta câu trả lời.”
Chu Sưởng cũng không muốn tranh luận gì. Hắn ra hiệu cho phục vụ mở một chai rượu mới, “Được rồi, uống thôi.”
Mọi người lại nâng cốc chạm ly.
Kinh Hồng nâng ly rượu lên, nhưng khi đưa ly đến bên môi anh lại thấy không đúng lắm. Ra đây là ly của Chu Sưởng, ly của anh ở bên trái cơ.
Kinh Hồng nhìn qua Chu Sưởng thì thấy người này đang nhìn mình vô cùng hứng thú, hiển nhiên Chu Sưởng đã nhận ra anh đang cầm nhầm ly của hắn.
Kinh Hồng đặt ly lại chỗ cũ, đoạn hỏi: “Sao anh Chu không nhắc tôi?”
Ai ngờ Chu Sưởng lại ung dung đáp: “Tại tôi không biết.”
Kinh Hồng: “…”
Chu Sưởng không nói đùa, hắn không biết thật.
Trên bàn rượu, mỗi lần nâng ly lại là một lý do, mỗi cái cụng chén lại là một câu chuyện. Bầu không khí trong phòng ngày càng sôi nổi và nồng nhiệt.
Một lát sau, hai người phụ nữ duy nhất trên bàn cũng xin phép đi trước để nghỉ ngơi. Mấy người đàn ông khác trông thoải mái hơn hẳn. Có người rút điếu thuốc ra châm lửa, cũng hỏi Kinh Hồng: “Anh Kinh làm một điếu không?”
Kinh Hồng đáp: “Tôi không hút thuốc.” Lúc nói lời này, đôi mày anh còn khẽ nhíu lại.
Mấy người đó lập tức chuyển hướng sang Chu Sưởng: “Anh Chu hút không?”
Chu Sưởng rời mắt khỏi gương mặt Kinh Hồng, bình tĩnh nói: “Mọi người đừng hút.”
Người kia sượng lại thấy rõ. Sau vài giây lúng túng, những người chưa châm thuốc đều đặt điếu thuốc trong tay sang một bên, những người đã châm rồi thì lặng lẽ ngẫm nghĩ rồi thấy rằng Chu Sưởng này là người không thể làm phật ý được, thế là cũng dập thuốc.
Chu Sưởng luôn biết nắm bắt tâm lý và điều khiển lòng người. Sau khi khoảng khắc sượng sùng đó qua đi, Chu Sưởng bèn hỏi tiếp cái người rút điếu thuốc ra đầu tiên kia: “Đặt các cơ sở kho tự độn gquy mô nhỏ trong khu đông dân, sau đó thì sao?” Ánh mắt hắn vẫn nghiêm túc như thường.
Người kia lập tức nói tiếp về ý tưởng sản phẩm của mình, lòng thầm nghĩ có vẻ Chu Sưởng không phải là phật ý thật, may quá. Bầu không khí lại được hâm nóng lên một lần nữa.
Vì ngày mai hội nghị vẫn còn tiếp tục nên mọi người uống tới 11 giờ là tan cuộc.
“Anh Kinh.” Kinh Hồng vừa định đứng lên, Chu Sưởng lại đột nhiên cất lời.
Hắn vắt chéo chân, ngồi tựa lưng vào ghế, vừa dùng vân tay mở khóa điện thoại vừa hỏi với giọng điệu lười biếng: “Trao đổi phương thức liên lạc chứ?”
Cả bàn người lại lia mắt tới.
Ai cũng biết trước nay Kinh Hồng và Chu Sưởng chưa liên lạc riêng với nhau bao giờ, đây cũng là một giai thoại nổi tiếng trong giới.
“…” Ở trước mặt mọi người, Kinh Hồng đương nhiên sẽ không để hắn phải mất mặt. Nhưng anh cũng không muốn có nhiều tiếp xúc với người này cho lắm. Thế là anh khẽ khựng lại, rồi cũng lấy điện thoại ra nói, “Để tôi quét anh.”
Bằng cách này, hai người cuối cùng cũng lưu số nhau rồi.
Sau khi Kinh Hồng rời đi, Chu Sưởng chợt muốn lướt xem Khoảnh khắc của anh. Đây là lần đầu tiên hắn có ý muốn xem Khoảnh khắc của một ai đó như thế này.
Kể từ khi tính năng này được cho ra mắt cho đến bây giờ, Chu Sưởng đều không thích và chưa bao giờ muốn mở cái thứ này ra xem. Như trước đó đã nói, hắn không có hứng thú muốn biết chuyện ăn cơm uống nước tiểu tiện đại tiện của cả ngàn người.
Như bây giờ quả thực là lần đầu tiên trong đời.
Hắn thậm chí còn không đi ra khỏi phòng ăn mà ngồi đó mở luôn Khoảnh khắc của Kinh Hồng ra. Ai ngờ trên đó trống huơ trống hoác.
Cả trang chỉ có hình nền màu đen ở trên và ảnh đại diện bên phải. Còn đâu trắng tinh.
À có cả cái vạch xám mờ mờ ở dưới nữa.
Kinh Hồng chưa từng đăng gì hết sao?
Chu Sưởng hơi hoang mang. Để đề phòng, hắn bèn mở trình duyệt lên và tìm kiếm “Khoảnh khắc chỉ có một vạch xám là sao”.
Ok hiểu.
Hắn đã bị Kinh Hồng cho vào danh sách hạn chế rồi.